TRONG NHỮNG NĂM QUA, BÌNH DƯƠNG ĐÃ ĐI ĐẦU VỚI CHÍNH SÁCH “TRẢI THẢM ĐỎ” THU HÚT ĐẦU TƯ. NHỮNG THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU ĐÃ NÂNG TẦM BÌNH DƯƠNG TRỞ THÀNH MÔ HÌNH KIỂU MẪU TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI. ĐẾN NAY, TỈNH ĐÃ VƯƠN LÊN VÀO TOP 05 NHỮNG TỈNH THÀNH THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VƯỢT 20 TỶ USD.
Thiên thời, địa lợi và nhân hòa:
Để đạt được những kết quả như trên, trong thời gian qua Chính quyền tỉnh Bình Dương đã luôn nhận thức và nhất quán quan điểm là để phát triển cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các lợi thế về thiên thời, địa lợi, nhân hoà của tỉnh, thông qua việc cụ thể hóa trong từng chủ trương chỉ đạo, điều hành đến các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của từng ngành, từng cấp:
Bình Dương còn là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung với Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế của cả nước; có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như: Quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3, vành đai 4, đường Xuyên Á; cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 – 15 km.
Tỉnh luôn chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thông tin – viễn thông, điện, nước, quỹ đất sạch sẵn có… khá đồng bộ và từng bước hiện đại; chú trọng phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng của toàn Vùng đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo điều kiện rất thuận lợi trong vận chuyển, đi lại;….đảm bảo đầy đủ các yêu cầu cho nhà đầu tư khi đến Bình Dương.
Địa hình tương đối bằng phẳng, nền đất cứng; ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lũ,… là điều kiện thuận lợi cho việc dựng nhà xưởng phát triển công nghiệp
Lực lượng lao động đông đảo, trình độ chuyên môn tay nghề từng bước được nâng lên, thực hiện tốt chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động, người có thu nhập thấp; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2014 đạt 68%, đến năm 2020 là 80%.
Thái độ cầu thị, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong việc đối thoại với doanh nghiệp; lãnh đạo các cấp, các ngành thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện quyết liệt, triệt để ở tất cả các cấp, các ngành. Việc vận hành Khu hành chính mở tại Trung tâm hành chính tỉnh với mô hình một cửa, một cửa liên thông, hỗ trợ tư vấn pháp lý các thủ tục hành chính, đặc biệt là: cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tạo ra một môi trường bình đẳng, thuận lợi và an toàn cho các nhà đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư được chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phối hợp với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan khi thực hiện trong và ngoài nước ngày càng đi chiều sâu và đạt hiệu quả, trong đó chú trọng vào từng quốc gia, từng nhà đầu tư ở các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm kêu gọi đầu tư vào các dự án: ít thâm dụng lao động, tiết kiệm năng lượng, cơ khí chính xác, điện, điện tử là những dự án có hàm lượng công nghệ cao.
Bình Dương luôn năng động, “dám nghĩ, dám làm”. Chính quyền tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực trong việc khai thác các nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng. Tỉnh luôn sử dụng nguồn ngân sách đúng mục đích và đúng đối tượng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được sử dụng ngày càng hiệu quả, như một “cú hích”, “vốn mồi” để ra đời hàng loạt công trình giao thông, bệnh viện, trường học, điện lưới, bưu chính viễn thông, khu đô thị, khu dân cư, nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2014 đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng bình quân 20,7%/năm trong giai đoạn 2010-2014.
Thành tựu nỗi bật:
Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã thu hút gần 1,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 21,4% so cùng kỳ năm trước, đạt 160% so với kế hoạch. Kết quả này đã nâng tổng nguồn vốn đầu tư FDI vào Bình Dương đến thời điểm này lên gần 20,35 tỷ USD vốn đăng ký, với 2.375 dự án. Tại Bình Dương hiện đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Điểm nhấn trong thu hút đầu tư FDI là phần lớn các dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, điện gia dụng, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp, các dịch vụ cao cấp và bất động sản.
Bên cạnh nguồn vốn FDI, thu hút đầu tư trong nước tiếp tục đạt kết quả khả quan. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã có thêm 2.055 doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới với tổng vốn đăng ký trên 7.402 tỷ đồng và 377 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 4.581 tỷ đồng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 17.428 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 131.556 tỷ đồng.
Hướng đến phát triển bền vững
Tiếp tục phát huy những kết quả đã được, Bình Dương đang đẩy mạnh hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từng bước hình thành và phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm toàn cầu, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn ra thị trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mối quan hệ kết nối, hướng đạo từ các tập đoàn kinh tế lớn có vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển dịch vụ đô thị theo hướng hiện đại, thân thiện và bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bằng việc đầu tư hàng loạt các công trình văn hoá – xã hội như: bệnh viện đa khoa 1.500 giường, các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viên đa khoa Quốc tế miền Đông, bệnh viện phụ sản – nhi Hạnh Phúc, bệnh viện Colombia, trường đại học Thủ Dầu Một, trường đại học quốc tế miền Đông, trường đại học Việt – Đức,…
Tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thông tin – viễn thông, điện, nước,… đồng bộ và từng bước hiện đại; chú trọng phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với các cảng biển, cảng hàng không quốc tế; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư; thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ các yêu cầu và điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến tỉnh đầu tư các lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng đô thị, logictis.
Với những định hướng mang tính đột phá, những bước đi phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý kinh tế, tài nguyên và con người của tỉnh, Bình Dương sẽ trở thành điểm đến đáng tin cậy đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Nguồn: Sở KH – ĐT Bình Dương